Theo truyền thuyết của đồng bào Tây Nguyên, con trâu là biểu tượng của tín ngưỡng vật tổ. Đồng bào M’Nông “ăn trâu” để tạ ơn thần linh, để được tổ chức vui chơi, và cũng để khẳng định uy tín, danh vọng của gia đình, buôn lang.
Lễ hội ăn trâu thường diễn ra vào lúc nông nhàn, mọi người vui chơi, nghỉ ngơi đẻ chuẩn bị cho mùa rẫy mới, thường vào tháng ba hoặc tháng tư âm lịch
Đầu tiên là dựng nêu, cây nêu được xem là lễ đài của buổi lễ, vì thế nó không những phải cao vút, bề thế mà còn phải trang nghiêm, đầy chất huyền thoại. Cây nêu được làm bằng cây tre, được kết bằng lá cây non, cây sra, trên ngọn còn được treo một con Phượng Hoàng làm bằng gỗ được tô nhiều màu, trên thân cây nêu luôn đủ các hình: tổ ong, chim én, hình người, xâu lục lạc… Khi dựng nêu, nam nữ trong làng phải đánh cồng, đánh chiêng, múa hát xung quanh cây nêu. Suốt đêm đó người ta vui chơi, uống rượu cần chờ ngày lễ chính
Gà gáy báo sáng cũng là lúc người ta gọi “Thần lúa” và hát khóc trâu để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý trước khi làm lễ hiến sinh. Vừa hát người ta vừa tưới nước vào đầu con trâu. Trời vừa tan sang, người ta mang một ché rượu nhỏ giết một con gà để cúng hồn trâu. Người ta dùng gươm chém đứt hai chân sua của con vật, rồi mới dùng dao đâm vào hông trâu. Dàn cồng chiêng nổi lên rộn rã tạo sự phấn khích và can đảm cho người đâm trâu. Thịt trâu được xẻ ra và chia đều cho mọi người trong làng. Mọi người cùng ăn uống múa hát cho đến tận sáng hôm sau.