Hướng dẫn | Đăng nhập | Đăng ký |    

VietNam English
Online 1819 | Hotline: (84 8) 37 156 156
Đặc sản - Quà tặng
Tìm Đặc sản - Quà tặng  
Bánh dừa Giồng Luông
Làng Giồng Luông xưa kia nay thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ở Giồng Luông, từ cuối thế kỷ 19, ngôi nhà cổ độc đáo của Huỳnh Phủ (Hương Liêm) đã nổi danh khắp vùng. Cũng trong quãng thời gian ấy, một loại bánh quê mộc mạc đã ra đời và trở thành đặc sản: bánh dừa Giồng Luông.

 

Chiếc bánh sống mãi với thời gian

Quê ông ngoại tôi trên những giồng cát nơi đây. Hồi ấy, người đi bán bánh dừa Giồng Luông thường theo những chiếc xe ngựa, sáng sáng lốc thốc trên đường làng dẫn ngang qua ngôi nhà cổ của cụ Hương Liêm. Hình ảnh trầm mặc ấy cho tôi một ấn tượng nhớ đời.

Ông Huỳnh Văn Tư (Bé Tư), ngụ ấp Vĩnh Bắc, xã Đại Điền tâm sự: “Dòng họ tôi đã bốn đời làm bánh dừa. Tôi nay 57 tuổi. Như vậy, đối với ngôi nhà cổ, nghề làm bánh dừa tại Giồng Luông xuất hiện còn sớm hơn. Cha truyền con nối, lâu lắm rồi”.

39

 

Một ngày đến với lò bánh dừa của ông Bé Tư, tôi mới cảm nhận hết công việc của những đôi tay khéo léo và đầy kinh nghiệm để cho ra những chiếc bánh dừa sống mãi với thời gian.

Ông Bé Tư nói: “Bánh dừa ở những nơi khác, như trên miệt Đồng Tháp Mười chẳng hạn, người ta gói bánh dừa bằng lá dừa ta hoặc dừa xiêm nên trông chiếc bánh không đẹp lắm. Còn tại Giồng Luông, bà con tận dụng lá cà bắp (phần lá non của cây dừa nước) gói bánh nên trông chiếc bánh chỉnh chu, bóng láng”.

Tôi băn khoăn: “Mỗi đám dừa nước chỉ có vài cà bắp non, mà làm bánh dừa thì hết năm này sang năm khác, đốn cà bắp, tiệt gốc hết còn gì?” Ông Bé Tư cười: “Nơi ven sông rạch, dừa nước bao la… cà bắp vẫn nhú lên và dừa nước vẫn xòe lá xanh rì”.

Nói xong, ông Bé Tư bắt tay ngay vào công đoạn đầu làm bánh dừa, tức là đi đốn cà bắp ở mương vườn sau nhà. Ông đốn từng cây cà bắp rồi bó lại, đem lên bờ, chặt ra lá.

Kế đến ông giao cho vợ con ông rọc lá, lấy ra trong từng chiếc lá sợi dây xanh và lạt. Dây xanh trong một chiếc lá dùng để gói hai nuột bánh dừa, bài bản ở đây nào giờ là vậy. Ngồi dưới hàng dừa xanh, gió chướng mùa xuân từng hồi kéo qua mát rượi. Công đoạn này vợ, con gái của ông làm rất nhanh, thoăn thoát. Tay mơ như tôi là không thể nào làm được…

Sau đó là vấn nòng. Cũng với đôi tay thoăn thoát đó, những chiếc lá cà bắp được vợ ông vấn nòng rất nhanh. Chốc chốc đã thấy đầy một thúng nòng rồi.

Bánh dừa Giồng Luông có hai loại nhân là nhân đậu (đậu xanh, đậu đen) và nhân chuối. Tôi hỏi ông Bé Tư: “Bánh được làm từ nếp đặc sản tại địa phương?” Ông cho biết là trước đây làm bằng nếp tại địa phương nhưng gần đây đã chuyển sang làm bằng nếp Thái Lan, nếp Thái rất dẻo.

Sau khi nếp được rút nước xong, bấy giờ, cả nhà ông quây quần trên bộ ván bắt đầu gói bánh mà trong nghề gọi là “bỏ bánh”. Thoạt đầu, bà Tư vắt nước cốt dừa vào bánh, nhưng bà vắt chầm chậm. Khi nếp thấm đều nước cốt dừa thì bà bỏ luôn phần xác dừa còn lại và trộn đều trong nếp một cách điêu luyện. Bỏ bánh tức đưa nếp vừa trộn với nước cốt dừa vào từng chiếc nòng.

Kế đến là bẻ bánh. Công đoạn này rất quan trọng vì bẻ bánh không kinh nghiệm, mí lá không đều, không khớp nhau, nước trong nồi hấp sau đó sẽ nong (ngấm) vào nếp, chiếc bánh sẽ bị sượng hoặc mau thiu, không để được lâu ngày.

Bẻ bánh xong thì chuyển sang cho người cột (buộc) bánh bằng dây xanh. Một chùm dây xanh mỏng tang và chắc để ở ngay ngón chân cái của một người, người đó nhanh nhạy, lấy ra từng sợi dây xanh cột bánh như biến phép. Cột bánh xong là hấp bánh.

Hấp bánh phải đến bảy tiếng đồng hồ bánh mới chín đều hết từ ngoài vào trong. Do vậy, hàng ngày, gia đình ông Bé Tư dậy lúc 1 giờ khuya rồi bắt đầu bỏ bánh và lúc 4 giờ thì hấp bánh. Hấp bánh đến 11 giờ trưa, vớt bánh ra và chùm bánh. Cứ một chùm bánh là 12 chiếc rồi đem đến cho các mối bán.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ông Bé Tư nhớ lại: “Thời chiến tranh, các chiến sĩ bộ đội xem bánh dừa là món ăn “chắc bụng” và tiện nhất vì bánh dừa để cả tuần lễ không thiu; bánh dừa để ăn sáng hay lúc đang hành quân không nấu cơm được, cứ lấy ra ăn cầm cự qua ngày. Lúc này làm bánh dừa uể gân luôn…”.

Sau giải phóng và kéo dài chừng 15 năm sau đó, bánh dừa vẫn bán rất chạy, lò bánh của ông Bé Tư mỗi ngày sản xuất trên 1.600 chiếc bánh. Tôi hỏi ông Bé Tư: “Còn hiện nay thì sao?” Ông nói hàng ngày ông sản xuất chỉ còn phân nửa vì bánh trái bây giờ tràn ngập nhưng ông rất vui bởi thanh danh bánh dừa Giồng Luông không hề mất. Việt kiều xa xứ về thăm quê rất thích ăn những chiếc bánh mộc mạc chân quê và tìm cách mang sang cho người Việt ở “bên đó”, nhưng phải là bánh dừa danh tiếng Giồng Luông.

Bánh dừa Giồng Luông ăn dẻo, béo, thơm lừng mùi nếp, mùi nước cốt dừa và cả mùi đặc trưng của lá cà bắp non. Tại Lễ hội Dừa Bến Tre lần I và lần II, ông Bé Tư đều đại diện huyện Thạnh Phú đem đến trưng bày tại lễ hội chiếc bánh dừa Giồng Luông… khổng lồ, nặng 25 kg. Làm chiếc bánh với trên 20 kg nếp, để hấp cho bánh chín đều, quả chủ nhân phải dày dạn tay nghề.

Khi nối nghiệp người cha làm bánh dừa, gia đình ông Bé Tư chỉ có chưa đầy 3 công đất. Nhờ vào nghề bánh dừa, đến nay ông đã mua thêm hơn 1 mẫu đất vườn và cất ngôi nhà khang trang. Và cũng từ nghề truyền thống này, ông đã nuôi 7 người con lớn khôn thành người, trong đó có người con trai thứ 6 – anh Huỳnh Trung Hậu, 27 tuổi, hiện là giảng viên Đại học Công an tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

 

nguồn: bentre



Các thông tin khác:
* Bò một năng - đặc sản Krông Pa (Gia Lai)
* Canh xương rồng – đặc sản Tam Thanh
* Bánh khoải - món ngon vùng đất biên cương
* Bánh tằm Ngan Dừa - đặc sản làm nên danh tiếng ẩm thực Bạc Liêu
* Ngọt thơm bánh ngào xứ Nghệ
* Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ
* Thưởng thức 7 món ăn làm nên thương hiệu ẩm thực Hội An
* Cải mầm đá- Món ngon của đất trời Sapa
* Cá trèo đồi - Đặc sản tiến vua quý hiếm đất Ninh Bình
* Những món ăn độc đáo vùng Tây Bắc
* Mắm bò hóc - Điểm nhấn độc đáo trong bản đồ ẩm thực phương Nam
* Khám phá 5 món lạ miệng ở miền sông nước Hậu Giang
* Bánh mướt, món ngon xa quê là nhớ ở xứ Nghệ
* Cá thòi lòi - Đặc sản Cà Mau
* Dân dã trà nụ vối Bình Liêu
Tour mới nhất
- Ngày khởi hành: 24/01/2013
- Ngày về: 24/12/2013
- Giá tour: 243 USD/Khách
Ảnh đẹp
Hồ Xuân Hương Đà Lạt
Chùa Phật Ngọc
Cầu Phú Mỹ rực rỡ về
Làng cổ Shinrakawago


Giới thiệu | Qui định | Thanh toán | Sitemap | Liên hệ
© 2008 - 2024 Tourbalo - Member Of PMV Corp, Tòa Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, HCMC
Website: www.Tourbalo.com - Tourbalo.vn, thông tin địa danh, bản đồ du lịch, vé máy bay, thuê xe, khách sạn, khu giải trí, shoping - mua sắm